Quy chế hoạt động

 QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CÔNG TY TNHH MTV CỰU CHIẾN BINH

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2016/QĐCT ngày 01 tháng 6 năm 2016)

 

CHƯƠNG I

VỊ TRÍ PHÁP LÝ VÀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ

   Điều 1. Vị trí pháp lý

 Công ty TNHH Một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh là doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, có tư cách pháp nhân đầy đủ, được tổ chức hoạch toán độc lập, tự chủ về tài chính, thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

   Điều 2. Chức năng nhiệm vụ

 Công ty TNHH Một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh được cấp phép hoạt động trên 30 ngành nghề, tập trung vào lĩnh vực xây dựng và các dịch vụ công ích, môi trường. Đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0312211020, do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 29/03/2013, đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 31/3/2016;

 

 CHƯƠNG II

TỔ CHỨC BỘ MÁY

   Điều 3. Cơ cấu tổ chức

 3.1 Bộ phận lãnh đạo, quản lý:

A. Chủ tịch Công ty.

B. Ban cố vấn Công ty.

C. Ban giám đốc Công ty (gồm giám đốc và các phó giám đốc).

D. Ban quản lý dự án.

E. Ban Tài chính.

F. Trưởng các phòng chuyên môn.

G. Giám đốc nhà máy, xí nghiệp trực thuộc.

H. Trưởng Văn phòng đại diện.

  3.2 Các bộ phận nghiệp vụ:

+ Lĩnh vực hành chính:

  1. Phòng Tổ chức – Hành chính.
  2. Phòng Kế hoạch – Kinh doanh.
  3. Phòng Kế toán Tài vụ.
  4. Phòng Kỹ thuật – Xây dựng.
  5. Phòng Pháp lý.
  6. Văn phòng đại diện.

+ Lĩnh vực đầu tư dự án:

  1. Ban quản lý dự án.
  2. Ban Tài chính.

+ Lĩnh vực sản xuất kinh doanh:

  1. Nhà máy xử lý nước thải Phước Hiệp, Củ Chi.
  2. Xí nghiệp dịch vụ môi trường.

 CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ PHẬN LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÔNG TY

   Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh lãnh đạo

  4.1 Chủ tịch Công ty:

- Có quyền nhân danh Công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

- Quyết định nội dung Điều lệ Công ty hay sửa đổi bổ sung Điều lệ Công ty.

- Quyết định đầu tư kinh doanh và quản trị nội bộ Công ty như việc tổ chức lại, chuyển nhượng, giải thể hoặc yêu cầu phá sản Công ty, thu hồi tài sản của công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản.

-  Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác của công ty.

- Quyết định việc thành lập, sát nhập, sắp xếp các phòng, ban; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Ban cố vấn, Ban giám đốc.

4.2 Cố vấn Công ty:

Tham gia đóng góp ý kiến về một số vấn đề quan trọng của công ty như:

- Về cơ cấu tổ chức của công ty: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng của công ty; việc thành lập, xác nhập hoặc giải thể công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện.

- Về định hướng, chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của công ty, các kế hoạch kinh doanh hàng năm cũng như các dự án khác của công ty.

- Có ý kiến về báo cáo tài chính hàng năm và phương án phân chia lợi nhuận hay xử lý lỗ của công ty.

4.3 Giám đốc Công ty:

- Điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng ngày của Công ty, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Công ty và pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

  - Tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Công ty và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm cho Chủ tịch Công ty.

  - Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của Công ty. Ký kết các hợp đồng nhân danh Công ty (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Công ty).

  - Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức Công ty, ban hành các quy chế quản lý nội bộ Công ty. Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận và xử lý lỗ trong kinh doanh.

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và các nhà máy, xí nghiệp trực thuộc của Công ty.

- Tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động trong Công ty. Quyết định lương và các hỗ trợ khác đối với người lao động.

4.4 Phó giám đốc Công ty:

- Giúp việc cho Giám đốc trong quản lý điều hành các hoạt động của công ty theo sự phân công của Giám đốc trong từng lĩnh vực chuyên môn, chịu trách nhiệm trước Giám đốc, liên đới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Công ty về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 

- Chủ động và tích cực triển khai, thực hiện nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về hiệu quả các hoạt động.

- Thực hiện một số công việc khác do Giám đốc chỉ đạo.

4.5 Trưởng, phó Ban quản lý dự án:

- Trường ban quản lý dự án tham mưu cho Ban giám đốc công ty quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các dự án được phân công và chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc về hiệu quả kinh tế của các dự án.

- Thường xuyên kiểm tra, báo cáo Ban giám đốc công ty về tiến độ, tình hình thực hiện các dự án được phân công.

- Phó Ban quản lý dự án giúp việc cho trưởng ban trong công tác triển khai thực hiện các dự án và các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban quản lý dự án phân công.

4.6 Trưởng Ban tài chính:

- Tham mưu cho Ban giám đốc trong việc tìm nguồn vốn để thực hiện các dự án, các hoạt động kinh doanh do công ty đầu tư, thực hiện.

- Tham mưu việc quản lý dòng tiền khi thực hiện các dự án đầu tư và khai thác có hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của công ty.

- Thực hiện một số công việc khác do Ban giám đốc chỉ đạo.

4.7 Trưởng các phòng chuyên môn:

- Chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của phòng theo nhiệm vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác.

- Hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị trực thuộc.

- Thay mặt Ban giám đốc tham dự họp hay chủ trì các cuộc họp có liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ khi được phân công.

- Tổng hợp các số liệu có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng từ các đơn vị để báo cáo Ban giám đốc Công ty

- Thực hiện một số công việc khác do Ban giám đốc chỉ đạo.

4.8 Giám đốc nhà máy, xí nghiệp trực thuộc:

- Chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc công Ty về công tác quản lý, sử dụng lao động cũng như máy móc, thiết bị của nhà máy, xí nghiệp đạt hiệu qủa nhất.

- Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức điều hành thực hiện đạt kế hoạch sản xuất đảm bảo kỷ thuật, chất lượng, năng suất; thực hiện tốt các nội qui của công ty về công tác quản lý lao động, quản lý tài sản và quản lý sản xuất, vệ sinh công nghiệp. Triển khai, xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng kỹ thuật trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

- Phối hợp với các phòng liên quan của công ty thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng, năm.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi Ban giám đốc phân công.

4.9 Trưởng các văn phòng đại diện:

- Chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc công ty về công tác quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của văn phòng đại diện.

- Thường xuyên báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của văn phòng đại diện cho Ban giám đốc công ty.

 

 CHƯƠNG IV

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC BAN, PHÒNG CHUYÊN MÔN VÀ CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC CÔNG TY

 

   Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ của các ban, phòng chuyên môn và các nhà máy, xí nghiệp trực thuộc

5.1 Các ban:

5.1.1 Ban quản lý dự án:

- Thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng, giao nhận đất, chuẩn bị mặt bằng xây dựng và các công việc khác phục vụ cho việc xây dựng công trình.

- Chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán, tổng hợp dự toán xây dựng công trình để tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định.

- Quản lý khối lượng, chất lượng, tiến độ, chi phí xây dựng, an toàn và vệ sinh môi trường của công trình xây dựng.

-. Kiểm tra chất lượng thi công, xác nhận khối lượng hoàn thành, các khối lượng phát sinh và làm các thủ tục thanh toán.

- Nghiệm thu bàn giao công trình. Phối hợp tổ chức giám định chất lượng xây dựng, nghiệm thu công trình và bàn giao công trình hoàn thành cho các tổ chức, đơn vị quản lý để đưa vào khai thác, sử dụng.

- Được đề nghị đình chỉ, đề xuất biện pháp xử lý theo đúng luật định nếu chất lượng thi công không đúng tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, không đảm bảo an toàn và không đảm bảo yêu cầu của Hồ sơ thiết kế được duyệt.

- Thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần, tháng, năm cho các phòng liên quan khi có yêu cầu và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban giám Đốc phân công.

5.1.2 Ban tài chính:

- Quản lý, đánh giá hoạt động tài chính của Công ty, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của Công ty.

- Lập kế hoạch tài chính theo tháng, quý, năm đồng thời định kỳ báo cáo hoặc báo cáo theo yêu cầu của Ban giám đốc về tình hình tài chính của công ty.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi Ban giám đốc phân công.

5.2 Các phòng:

5.2.1 Phòng Tổ chức – Hành chính:

- Tổ chức việc quản lý nhân sự toàn công ty. Tham mưu đề xuất cho Ban giám đốc để xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực tổ chức, hành chánh, nhân sự.

- Thực hiện công tác tuyển dụng nhân sự đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, chiến lược của công ty. Tổ chức và phối hợp với các đơn vị khác thực hiện quản lý nhân sự, đào tạo và tái đào tạo.

- Xây dựng các quy chế nội bộ của Công ty về nội quy lao động, thỏa ước lao động, chính sách tuyển dụng, chính sách lương thưởng, đề xuất các biện pháp khuyến khích, kích thích người lao động làm việc, thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định Pháp luật. Tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện các quy định của công ty.

- Phục vụ các công tác hành chánh để Ban giám đốc thuận tiện trong chỉ đạo. điều hành, phục vụ hành chánh để các bộ phận khác có điều kiện hoạt động tốt.

- Quản lý việc sử dụng và bảo vệ các loại tài sản của Công ty, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong công ty.

- Hỗ trợ các bộ phận khác trong việc quản lý nhân sự, là cầu nối giữa Ban giám đốc và người lao động trong Công ty.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc giao.

5.2.2 Phòng Kế hoạch – Kinh doanh:

- Xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty trong từng giai đoạn, tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư.

- Chủ trì lập kế hoạch kinh doanh của Công ty trong từng tháng, quý, năm và kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo yêu cầu của lãnh đạo Công ty.

- Thống kê, tổng hợp và đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình thực hiện các dự án, các công trình của Công ty.

- Hướng dẫn cho các nhà máy, xí nghiệp các chi nhánh trực thuộc xây dựng kế hoạch năm của mỗi đơn vị. Tổng hợp các số liệu và ý kiến của các phòng, ban nghiệp vụ để lập kế hoạch của Công ty.

- Phân tích đánh giá kết quả việc thực hiện kế hoạch tháng, quý, năm. Trên cơ sở đó dự thảo báo cáo tổng kết kế hoạch quý, năm, rút ra những mặt mạnh, yếu, tìm nguyên nhân để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

- Chủ trì soạn thảo và quản lý các hợp đồng kinh tế, phối hợp cùng các phòng, ban nghiệp vụ kiểm tra theo dõi các công tác liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng.

- Chủ trì trong công tác xây dựng các định mức, quy chế khoán cho các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh trực thuộc.

- Phụ trách công tác thông tin truyên truyền, quảng bá hình ảnh và hoạt động của công ty qua các phương tiện truyền thông.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác, yêu cầu các đơn vị cung cấp số liệu để thực hiện công tác thông kê, báo cáo Ban giám đốc Công ty về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn, các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh trực thuộc.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc giao.

5.2.3. Phòng Kỹ thuật – xây dựng:

- Tham mưu cho Ban Giám đốc công ty quản lý, điều hành toàn bộ các dự án của công ty, các dự án của chi nhánh công ty.

- Phối hợp với Phòng Kế hoạch tổng hợp đề xuất các vấn đề liên quan đến việc đầu tư xây dựng các công trình mới, cải tạo các công trình đã xây dựng.

- Phối hợp với Phòng Tài vụ lập tiến độ nhu cầu vốn các dự án, đề xuất cho Ban Giám đốc công ty xét duyệt, thanh toán theo tiến độ các dự án.

- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ, tài liệu có liên quan đến các dự án của Công ty.

- Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc khảo sát, thiết kế, thi công công trình thuộc dự án và thẩm định trước khi trình Ban Giám đốc công ty duyệt theo quy định.   

- Liên hệ các cơ quan chức năng lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư: Thi phương án thiết kế kiến trúc, thoả thuận phương án kiến trúc qui hoạch, thoả thuận PCCC, môi sinh môi trường, trình duyệt thiết kế cơ sở, dự án đầu tư, xin giấy phép xây dựng…

- Theo dõi các hoạt động đo đạc của công ty, các chi nhánh. Đề xuất và phát triển mảng đo đạc của công ty.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc giao.

5.2.4 Phòng Kế toán Tài vụ:

- Thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn tài chính kế toán theo đúng qui định của Nhà nước. Phổ biến chính sách chế độ quản lý tài chính của nhà nước với các bộ phận liên quan khi cần thiết.

- Ghi chép, tính toán, phản ánh số hiện có, tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn; quá trình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn của Công ty.

- Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch thu chi tài chính việc thu, nộp, thanh toán, kiểm tra việc giữ gìn và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời những hiện tượng lãng phí, vi phạm chế độ, qui định của Công ty.

- Cung cấp các số liệu, tài liệu cho việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ công tác lập và theo dõi kế hoạch. Cung cấp số liệu báo cáo cho các cơ quan hữu quan theo chế độ báo cáo tài chính, kế toán hiện hành. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho Ban Giám đốc Công ty.

- Thực hiện việc chi trả lương và các chế độ chính sách khác theo quy định pháp luật cho người lao động trong công ty.

- Lập dự trù kinh phí cho năm kế hoạch. Tổng hợp báo cáo kịp thời về công tác chuyên môn theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc giao.

  5.2.5. Phòng Pháp lý:

- Phụ trách các lĩnh vực liên quan đến pháp lý của công ty.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc giao.

5.3 Các nhà máy, xí nghiệp trực thuộc:

- Chủ động tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch sản xuất đảm bảo kỷ thuật, chất lượng, năng suất.

- Tố chức thực hiện tốt việc chăm lo đời sống và tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động làm việc tại nhà máy, xí nghiệp.

- Thực hiện nghiêm các nội qui lao động, quản lý tài sản và quản lý sản xuất, vệ sinh công nghiệp và các vấn đề liên quan đến chất lượng kỹ thuật trong sản xuất.

 CHƯƠNG IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

    Điều 6. Chế độ làm việc

6.1. Chế độ làm việc

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh có chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi (nghỉ hàng tuần, nghỉ phép, lễ tất…) theo đúng qui định của nhà nước.

- Bộ phận quản lý và bộ phận văn phòng:  làm việc 44 giờ/tuần.

- Nhà máy, xí nghiệp: làm việc theo ca và tùy theo yêu cầu công việc, tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá 44 giờ/tuần.

6.2. Chế độ báo cáo, hội họp:

- Định kỳ hàng tuần, 6 tháng, năm các bộ phận có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động về phòng Kế hoạch – kinh doanh để tổng hợp báo cáo Ban giám đốc.

- Định kỳ 6 tháng, năm phòng Kế hoạch – kinh doanh xây dựng báo cáo 6 tháng, năm và xây dựng kế hoạch hoạt động trong thời gian tới trình Ban giám đốc.

- Định kỳ hàng tuần Ban giám đốc họp để kiểm điểm công tác tuần và triển khai công tác tuần tới, mời trưởng các phòng, ban nghiệp vụ và giám đốc các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh trực thuộc.

- Định hàng quý Ban giám đốc phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn Công ty họp với toàn thể người lao động trong công ty để nắm bắt các ý kiến, nguyện vọng của người lao động trong Công ty, đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ mới của Công ty theo quy định.

- Ngoài ra, có thể tổ chức họp đột xuất để triển khai các công việc cần thiết và cấp bách theo yêu cầu của Chủ tịch hoặc Ban giám đốc Công ty.

6.3. Người lao động:

- Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh đều có chức danh, nhiệm vụ cụ thể theo quy định của công ty.

- Người lao động phải có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với công việc, là người có phẩm chất, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, khách quan trong thực thi nhiệm vụ,  có thái độ, phong cách làm việc lịch sự, hòa nhã, tận tụy, khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của khách hàng, của đối tác cũng như của đồng nghiệp. Chấp hành nghiêm sự phân công của Ban giám đốc và lãnh đạo các phòng, ban nghiệp vụ, các nhà mày, xí nghiệp.

- Người lao động có quyền phát biểu ý kiến hoặc trình bày sáng kiến về mọi lĩnh vực đến Ban giám đốc Công ty. Ban giám đốc Công ty có trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu và nghiên cứu tổ chức triển khai đối với các ý kiến, sáng kiến có hiệu quả; đề xuất biểu dương khen thưởng đối với người lao động có sáng kiến tốt.

 

 CHƯƠNG V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

   Điều 8. Căn cứ Quy chế này, Giám đốc Công ty có trách nhiệm cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ và xây dựng các quy chế nội bộ của công ty (nếu có). Xây dựng nội quy làm việc của Công ty, phân công nhiệm vụ cho viên chức quản lý, người lao động phù hợp với trình độ, năng lực nhằm hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ được giao nhưng không trái với nội dung Quy chế này.

   Điều 9. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2016.

   Điều 10. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Ban giám đốc Công ty chủ trì cùng các phòng, ban nghiệp vụ, các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh trực thuộc tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, đề xuất sửa chữa hoặc bổ sung Quy chế sao cho phù hợp với Pháp luật và tình hình thực tế của Công ty./.

 

 

Quyết định ban hành quy chế:

Quyết định ban hành quy chế 2016
 

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh

Đối tác - Khách hàng