Truy cập
Đang truy cập 18 | |
Hôm nay 267 | |
Tháng hiện tại 11703 | |
Tổng truy cập 115904 |
Tự hào ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 năm Mậu Tuất
Quyển “Lịch sử Việt Nam” và quyển “Các triều đại Việt Nam” đang được dùng rộng rãi đều cho biết: Thời xa xưa nước ta gọi là Văn Lang, gồm 15 bộ lạc. Có vị thủ lĩnh tài ba thu phục được các bộ lạc khác, trở thành người cầm đầu, rồi thành vua. Đó là vua Hùng, cha truyền con nối được 18 đời (từ năm 2879 đến năm 258 trước công nguyên), đóng đô ở Phong Châu, tức thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Sáng 25/4 (tức ngày 10/3 năm Mậu Tuất - Giỗ Tổ Hùng Vương), Lễ hội Đền Hùng diễn ra tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng đơn giản, mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc đấu tranh chế ngự thiên nhiên và đấu tranh chống nạn ngoại xâm giữ gìn làng bản, đất nước. Hai truyền thuyết tiêu biểu còn lưu truyền tới tận ngày nay là Phù Đổng Thiên Vương phá tan giặc Ân và Sơn tinh thủy tinh (chinh phục thiên nhiên)...
Ngành khảo cổ học đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc tìm lại dấu vết người xưa trên vùng đất cổ, hơn nữa đã xác định được những giai đoạn phát triển từ bốn ngàn năm trước đến thiên niên kỷ thứ nhất. Trong xã hội Văn Lang, con người đã biết trồng lúa, khoai, đỗ, rau, dưa, cây ăn quả. Từ đó họ đã chế biến những món ăn đậm đà hương vị dân tộc: đồ xôi, gói bánh chưng, giã bánh dày, làm bỏng rang, nấu rượu, làm mắm… Tiếng chày tay giã gạo trở thành điệu nhạc quen thuộc khắp nơi. Các loài gia súc lớn và nhỏ ngày càng được thuần hóa. Để có vải mặc, con người trồng đay và gai, trồng dâu chăn tằm, biết dệt lại biết thêu. Cạnh đó nghề luyện kim làm vũ khí, đồ trang sức và nhạc cụ dần dần phát triển mà TRỐNG ĐỒNG là một sản phẩm thật kỳ diệu với những hoa văn vừa mang tính nghệ thuật vừa phản ảnh hiện thực phong phú. Các nghề thủ công khác như nặn nồi niêu, thạp vò, đan rổ rá, thố, gùi, nong nia, đan thuyền nan và đóng thuyền gỗ…c ó mặt từ thuở ấy, chứng tỏ sự phân công lao động đã tỉ mỉ, bàn tay con người đã điêu luyện, làm chủ một nền kỹ thuật cao. Những đức tính quý của người Việt như dũng cảm, kiên gan bền chí, thông minh sáng tạo cũng được bắt đầu hun đúc từ đây.
Bởi vậy từ bao đời nay nhân dân ta vô cùng biết ơn và coi trọng việc thờ cúng tổ tiên: " Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba".
Đây cũng chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Việc mấy năm qua Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua quyết định công nhận ngày mồng mười tháng Ba âm lịch là ngày giỗ Tổ Hùng Vương, công nhân viên chức được nghỉ trọn ngày Quốc lễ này, cũng thể hiện đạo lý đó.
Theo báo Cựu chiến binh Tp.HCM